Sau khi có liên tiếp những ca nhiễm Covid-19 xuất hiện trong cộng đồng ở TP.Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi, ngày 26-7, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19. Trong đó, đề nghị tăng cường tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân tiếp tục sử dụng khẩu trang nơi công cộng, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng.

Đang xem: Giá niêm yết khẩu trang y tế

*
Người dân bắt đầu tìm mua dự trữ khẩu trang y tế phòng dịch bệnh Covid-19 tại một cửa hàng văn phòng phẩm trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa). Ảnh: A.Nhiên

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai, những ngày gần đây, mặt hàng khẩu trang đã bắt đầu đắt hàng trở lại vì có hiện tượng nhiều người dân đi mua dự trữ khẩu trang để phòng ngừa dịch bệnh.

* Nhiều nhà thuốc không bán khẩu trang y tế

Tại nhiều nhà thuốc ở TP.Biên Hòa đã đề bảng “không bán khẩu trang y tế” hoặc có nơi bán hạn chế với giá từ 100-150 ngàn đồng/hộp 50 chiếc, tăng khoảng 50% so với thời điểm trước khi dịch bệnh xuất hiện trở lại.

Nhân viên một nhà thuốc trên đường Phan Đình Phùng (TP.Biên Hòa) cho biết, từ đợt dịch trước, khẩu trang khan hiếm và giá rất cao nên nhà thuốc không tiếp tục nhập hàng. Mấy hôm nay, người dân đã bắt đầu hỏi mua khẩu trang y tế nhiều hơn, nhưng nhà thuốc chỉ bán nốt số khẩu trang tồn từ đợt dịch trước, nên số lượng không nhiều.

Chị N.T.M. (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa), một người kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế cho biết, đợt dịch trước cửa hàng của chị nhập vào khá nhiều khẩu trang y tế, khi sức mua trong dân bão hòa, nhà chị Minh bị… tồn đến 30 thùng (loại thùng 50 hộp). “Không mong dịch trở lại, nhưng thấy những ca nhiễm mới xuất hiện nhiều người dân đã lo lắng tìm mua khẩu trang y tế nên 2 ngày qua, các “bạn hàng” của tôi là các nhà thuốc, tiệm văn phòng phẩm đã gọi đặt hàng chục thùng khẩu trang. Nguồn hàng khẩu trang y tế khá dồi dào, tuy nhiên giá bắt đầu được nhà cung cấp “đẩy” lên khoảng 30 ngàn đồng/hộp”.

Chưa đến nỗi phải “săn lùng” khẩu trang y tế như đợt dịch cao điểm trước đây, nhưng một số người dân cũng đã quan tâm mua để trong nhà một vài hộp khẩu trang y tế dùng dần. Trong khi đó, nhiều người cũng bình tĩnh hơn, không tích trữ nhiều khẩu trang y tế mà dùng cả khẩu trang vải.

Xem thêm: Bệnh Viện Đa Khoa Bưu Điện Quận 10, Bệnh Viện Đa Khoa Bưu Điện

Anh Nguyễn Khắc Bình (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Hiện Đồng Nai chưa có ca nhiễm mới Covid-19 trong cộng đồng nên cũng không quá lo lắng. Để bớt lãng phí, giảm rác thải, gia đình tôi chỉ dùng khẩu trang y tế khi đến những chỗ đông người, còn bình thường ra đường thì đeo khẩu trang vải như những đợt dịch trước”.

* Thận trọng và bình tĩnh

Đánh giá tình hình dịch bệnh hiện nay, Giám đốc Sở Y tế, TS-BS Phan Huy Anh Vũ cho rằng, đợt dịch trở lại lần này có thể sẽ phức tạp vì tốc độ lây lan nhanh, không có triệu chứng đặc hiệu. Tại địa bàn Đồng Nai, ngành Y tế đã phối hợp với ngành Công an và các địa phương nhằm kịp thời phát hiện và đưa đi cách ly ngay với những người nguy cơ là những người nhập cảnh trái phép…

Thông tin từ Thanh tra Sở Y tế cho biết, ngay từ đầu đợt dịch, nhiều nhà thuốc có hành vi nâng giá bán khẩu trang y tế, bán hàng không niêm yết giá, hàng không rõ nguồn gốc bị xử phạt khá nặng nên hiện nhiều cơ sở cũng e ngại. Tuy nhiên, ngoài công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất về vấn đề này, Thanh tra Sở Y tế đang khuyến khích người dân khi phát hiện những nhà thuốc, tiệm thuốc bán khẩu trang y tế, nước sát khuẩn tay cũng như những dụng cụ phòng, chống dịch quá giá quy định báo cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, ngăn chặn, không để tình trạng các nhà thuốc trục lợi từ dịch bệnh.

TS-BS Phan Huy Anh Vũ khuyến cáo, người dân nên thận trọng và bình tĩnh ứng phó với đợt dịch này, bằng việc đeo khẩu trang (khẩu trang y tế hoặc khẩu trang vải) khi ra đường, hạn chế đến chỗ đông người, rửa tay thường xuyên và nhất là khi phát hiện những người lạ mặt đến lưu trú tại nơi mình sinh sống, nên báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất hoặc lãnh đạo địa phương để kịp thời quản lý nguy cơ phát tán dịch bệnh (nếu có) của đối tượng. Người về từ vùng có dịch nên tự giác cách ly tại nhà 14 ngày.

Từ góc độ quản lý nhà nước về thị trường, chống hàng gian, hàng giả, chống ghim hàng, nâng giá, ông Huỳnh Kim Hóa, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho biết, đợt dịch thứ 3 mới quay trở lại, hiện Tổng cục QLTT chưa có chỉ đạo về công tác kiểm tra các mặt hàng liên quan đến dịch bệnh như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn… Tuy nhiên, đây là một trong những nhiệm vụ mà cơ quan QLTT tỉnh vẫn đang tiếp tục triển khai từ đầu đợt dịch bệnh đến nay.

Xem thêm: Bệnh Viện Chợ Rẫy Cơ Sở 2 – Các Thông Tin Chi Tiết Về Bệnh Viện Từ A

Theo ông Hóa, hiện các đội QLTT vẫn đang tăng cường công tác kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng khẩu trang y tế không nguồn gốc, không đạt chuẩn tràn ra thị trường, tình trạng “ghim” hàng nâng giá, trục lợi từ dịch bệnh… Tuy nhiên, riêng việc quản lý mặt hàng này trên mạng gặp rất nhiều khó khăn bởi khó kiểm soát, khó xử lý hơn so với các cửa hàng bán vật tư y tế có địa chỉ rõ ràng. Đáng lo là những loại khẩu trang bán trôi nổi trên mạng không được kiểm tra về chất lượng, độ vệ sinh và an toàn, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *